Bàn về nhà ở theo quan điểm phong thủy của cổ nhân, phong thủy chủ lấy nước (thủy) làm đại cục. Còn trong Tả Ao địa lý toàn thư có viết: “Tầm Long nhận thủy làm thầy”, nghĩa là khi lấy huyệt vị, thì lấy thủy (nước) làm trọng.
Thực tế cũng cho thấy, thủy là yếu tố cốt lõi dù trong dương trạch hay âm phần, nghĩa là chỗ ở phải gần nguồn nước. Ngoài yếu tố hệ trọng nhất là nguồn nước, cũng nên chọn nơi ở có nhiều người sinh sống.
Vậy tại sao thủy lại là yếu tố quan trọng nhất? Theo quan niệm của người xưa, vùng đất nào có nước thì sẽ có tài. Quả đúng như vậy, thường ở đâu có sông là sẽ có chợ. Người Trung Hoa xưa cũng nói: “Nhất cận thị, nhị cận giang” (tức nhất gần chợ, nhì gần sông). Bởi vùng đất gần sông là đất có sinh khí, vượng khí, hay còn gọi là sinh địa.
Trong phong thủy, đất được chia làm 3 loại: sinh địa, thắng địa và tuyệt địa. Thắng địa chỉ những nơi đất đẹp trù phú, màu mỡ, che chở được cho con người, giúp gia súc sinh sôi và có đủ độ phì nhiêu để ngũ cốc tốt tươi. Để đất từ sinh địa chuyển thành thắng địa, bên cạnh tạo tác của thiên nhiên thì con người cũng là nhân tố tác động trực tiếp.
Từ đất lại luận tiếp về phương hướng. Theo phong thủy hiện đại, nhiều người thường chọn đất theo hướng phong thủy. Trong đó, đông nam được cho là hướng đại lợi. Nhưng nhiều quan điểm khác lại cho rằng chính đông mới là hướng tốt nhất. Bởi đây là hướng có nhiều dương khí, nhật tinh chiếu cao nhất (từ 7-9 giờ sáng). Bên cạnh đó, những ngôi nhà mở cửa hướng chính đông thường những người trong nhà sẽ ít bệnh tật.
Hướng ít thuận lợi nhất và cũng ít người chọn nhất là hướng tây bắc. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, khi con người có thể chủ động ứng biến với thiên nhiên thì mỗi hướng đều có lợi thế riêng. Bởi, dù nhà ở hướng nào, gia chủ cũng có những phương án hóa giải các bất ổn để cuộc sống tốt hơn. Cụ thể, có thể điều chỉnh bằng hướng bếp, tăng dương giảm âm bằng ánh sáng, hay giảm dương (hướng tây) bằng lam, cây xanh…
Nguồn: Tổng hợp